Hôn nhân Tạ Đạo Uẩn

Tạ An rất yêu mến đứa cháu gái tài hoa xinh đẹp, nên hết sức chú ý tìm chỗ xứng đáng cho bà. Cuối cùng, ông quyết định chọn Vương Ngưng Chi (王凝之), là con trai thứ của nhà Thư pháp Vương Hi Chi để gả cháu gái. Vương Ngưng Chi rất hiền lành, lễ phép, trung hậu nhưng xét về tài học thì không thể nào sánh nổi Tạ Đạo Uẩn. Nhưng vì giao tình của hai nhà Vương-Tạ lúc bấy giờ rất thân thiết, tốt đẹp, nên Tạ An quyết định như thế.

Sau hôn lễ, Tạ Đạo Uẩn tìm gặp chú Tạ An để than phiền về năng lực của chồng mình, tuy có hiền hậu nhưng tài ba lại chẳng có gì. Chú Tạ An nói:"Vương lang là con trai của Dật Thiểu (chỉ Vương Hi Chi), gia đình quả là môn đăng hộ đối, chàng ta nhân phẩm rất tốt, cháu còn phàn nàn nỗi gì?". Bà liền đáp: "Thưa chú, cả nhà họ Tạ chúng ta, trên dưới ai nấy đều là người có tài văn chương nhả ngọc phun châu cả. Con không thể nào chịu nổi, nếu như một ngày nào đó, nhà họ Tạ lại có những con người tài ba như Vương Ngưng Chi!". Sau đó, Tạ Đạo Uẩn thường thay chồng tiếp khách văn chương, đàm luận thi phú. Bà tỏ ra là người hoạt bát, thông suốt nhiều vấn đề, lập luận vững chắc làm nhiều tay danh sĩ đương thời phải phục. Em chồng của Tạ Đạo Uẩn là Vương Hiến Chi, người học giỏi nhưng lập luận kém cỏi, thiếu hoạt bát nên trong khi biện luận thường bị khách áp đảo. Tạ Đạo Uẩn sợ em chồng mất giá trị nên bảo thị tỳ thưa với Hiến Chi làm một cái màn che lại, bà sẽ ngồi sau để nhắc Hiến Chi trong khi biện luận với khách. Vương Hiến Chi nhờ đó mà chinh phục được khách và nổi danh, được nhiều người kính phục[3].

Về sau, Tạ An tiến cử Vương Ngưng Chi lên làm quan Nội sửCối Kê. Chẳng may, gặp loạn dữ Tôn Ân xâm chiếm thành, Vương Ngưng Chi xử trí tình huống không thỏa đáng, giặc vào được thành và giết chết. Trước đó, Tạ Đạo Uẩn từng cảnh báo chồng mình nên gia tăng phòng bị, nhưng đều bị Ngưng Chi gạt ra, Tạ Đạo Uẩn đành phải tự mình chiêu mộ mấy trăm gia đinh mỗi ngày tăng thêm huấn luyện.

Đến khi Ngưng Chi thất bại mà chết, bạo quân tràn vào thanh tàn sát, Tạ Đạo Uẩn vẫn bình tĩnh, gan dạ, cầm gươm chống cự với kẻ địch một cách hiên ngang. Trong tay Tạ Đạo Uẩn khi ấy ôm cháu ngoại Lưu Đào, quân Tôn Ân toan giết, Đạo Uẩn bèn quát:"Chuyện liên quan đến họ Vương, có liên quan gì đến nó?! Muốn hại đến nó, chi bằng giết ta trước!". Tôn Ân trước đây nghe tiếng Tạ Đạo Uẩn, bây giờ thấy khí khái bất phàm cũng cảm phục, lệnh đưa cả nhà bà về Cối Kê. Từ đó Tạ Đạo Uẩn vẫn ở lại thành Cối Kê để thủ tiết thờ chồng, trọn đời không cải giá, đóng cửa phủ không đi đâu. Thái thú mới của Cối Kê là Lưu Liễu, sau loạn Tôn Ân đến tư trạch của họ Vương để hỏi bái Đạo Uẩn, sau khi ra về có nói:"Vương phu nhân thanh tao cao xa, chân thành cảm động, Liễu này được một buổi đàm luận thật là ân huệ to lớn!". Tạ Đạo Uẩn về già viết không ít thi thư luận văn, cũng truyền lại đời sau[4].

Liên quan